Theo thống kê của Cơ quan Hải quan và hệ thống thông tin Argus của Rosselkhoznadzor (the Customs Service statistics and Rosselkhoznadzor's Argus information system), từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 15 tháng 12 năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Liên bang Nga đạt tới 2,08 triệu tấn; tăng 30% so với cùng kỳ năm trước - chỉ đạt hơn 1,6 triệu tấn.
Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Liên bang Nga; khối lượng thủy sản xuất khẩu sang nước này đã tăng gần gấp 3 lần (vượt 1,2 triệu tấn). Đứng vị trí thứ hai là Hàn Quốc, đã hấp thụ gần nửa triệu tấn từ nguồn cung Liên bang Nga, tiếp theo là Hà Lan, Belarus và Nhật Bản. Khối lượng xuất khẩu cá có vây và hải sản khác của Nga sang các nước này lần lượt là: Hà Lan 117.000 - Belarus 65.600 và Nhật Bản 33.500 tấn.
Năm 2023, giá tiêu dùng thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản ở Đức đã tăng khoảng 14,65% so với năm trước. Trong giai đoạn này, giá tiêu dùng đối với các loại thực phẩm khác chỉ tăng 12%. Điều này cho thấy mức tăng giá thủy sản cao hơn nhiều các mặt hàng thực phẩm khác.
Cuộc khủng hoảng gần đây ở Biển Đỏ đang ảnh hưởng đến chi phí vận tải quốc tế. Giá mới nhất là 3.964 USD cho mỗi container vận chuyển 40ft là mức giá cao nhất kể từ tháng 10 năm 2022 và cao hơn 179% so với mức trung bình năm 2019 (tại thời điểm trước đại dịch COVID-19) là 1.420 USD. Tuy nhiên, chi phí container hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất là 10.377 USD được ghi nhận vào tháng 9 năm 2021. Tác động của chi phí container tăng cao, cộng với việc vận chuyển quãng đường dài hơn và đắt đỏ hơn qua các tuyến đường thay thế, sẽ sớm tác động đến giá thủy sản tại thị trường châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu thủy sản từ châu Á (thường là đi qua kênh đào Suez).
Tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng euro là 2,8% vào tháng 1 năm 2024, giảm từ mức 2,9% vào tháng 12 năm 2023. Một năm trước đó, tỷ lệ này là 8,6%. Lạm phát của Liên minh Châu Âu là 3,1% vào tháng 1 năm 2024, giảm từ mức 3,4% vào tháng 12 năm 2023. Một năm trước đó, tỷ lệ này là 10,0%. Trong Báo cáo giá thủy sản châu Âu tháng 2/2024: 64% giá không thay đổi so với tháng 1 năm 2024, trong khi một số sản phẩm thủy sản tăng 16% và một số sản phẩm thủy sản giảm 20%.
Theo đánh giá của FAO, sau đợt cao điểm Giáng sinh, thị trường thủy sản châu Âu rơi vào tình trạng bế tắc vào tháng 1 năm 2024. Tuy nhiên, đây là điều bình thường vào thời điểm này trong năm. Nhu cầu chậm và giá đã giảm từ mức cao đạt được trong tháng 12 năm 2023.
Những diễn biến căng thẳng gần đây ở Biển Đỏ có thể sẽ tác động mạnh đến hoạt động thương mại thủy sản trên thị trường thế giới; mức giá dự kiến sẽ tăng đáng kể sau khi bình thường hóa diễn ra vào nửa cuối năm ngoái.
Vào tháng 12 năm 2023, tỷ lệ lạm phát ở khu vực đồng Euro, vốn đã giảm kể từ giữa năm 2023, đã tăng lên 3,4% từ mức 2,4% trong tháng 11 và 2,9% trong tháng 10. Trong Báo cáo giá thủy sản châu Âu tháng 1/2024: 61% giá được coi là ổn định so với tháng 12 năm 2023, trong khi một số sản phẩm thủy sản tăng 23% và số khác giảm 16%. Đây là lần đầu tiên trong một năm giá tăng nhiều hơn là giảm, điều này cho thấy lạm phát đối với các sản phẩm thủy sản tăng.
Năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản của Na Uy đạt mức cao nhất mọi thời đại, trị giá 172 tỷ NOK. Điều này tương đương với việc có tổng cộng 39 triệu bữa ăn là thủy sản được phục vụ mỗi ngày. Trên thực tế, năm 2023 là năm có giá trị tốt nhất từ trước đến nay đối với xuất khẩu thủy sản của Na Uy, ghi nhận mức tăng 20,7 tỷ NOK (+14%) so với năm trước. Thủy sản vẫn là một trong những mặt hàng thương mại toàn cầu được săn đón nhiều nhất ở Na Uy và đã khẳng định vững chắc vị thế là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ hai của quốc gia này, chỉ sau dầu khí.
CÁ ĐÁY
Mùa cá minh thái Alaska năm 2024 đã chính thức bắt đầu ở Mỹ, nơi có hạn ngạch cao hơn một chút so với mức phân bổ năm 2023. Mặt khác, hạn ngạch đối với cá minh thái Alaska của Nga năm nay cũng tăng lên đáng kể. Mỹ đã cấm nhập khẩu cá minh thái Alaska của Nga (bao gồm cả sản phẩm đã được tái chế ở Trung Quốc). Điều này đang có tác động mạnh đến thị trường cá đáy do khoảng cách địa lý về nguồn cung. Trong khi đó, các nhà sản xuất surimi của Mỹ vẫn chưa thống nhất được giá các đáy với các nhà thu mua truyền thống của Nhật Bản.
Hạn ngạch cá tuyết ở Biển Barents đã bị cắt giảm và giá hiện tại tăng cao do cá tuyết di chuyển chậm dọc theo bờ biển Na Uy. Các thị trường cá tuyết ở Nam Âu đang lo lắng khi phải chờ đợi xem khi nào cá tuyết mới tới, đây được coi là yếu tố có thể làm thay đổi đáng kể giá của các sản phẩm cá tuyết muối. Về mặt tiêu dùng, thị trường nhìn chung trầm lắng vì hiện tại không có sự quan tâm lớn đến sản phẩm cá tuyết muối; tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi vào Tuần Thánh (trước lễ Phục sinh) vào cuối tháng Ba năm 2024.
Hiện đang thiếu các sản phẩm cá tuyết từ cả hai loài Gadus macrocephalus và Gadus morhua. Nhiệt độ lạnh được dự đoán trước đây ở miền Nam châu Âu đang trở thành hiện thực và mức tiêu thụ cá tuyết đã tăng lên. Nhu cầu tốt này, kết hợp với việc sản lượng đánh bắt thấp, sẽ dẫn đến giá cá tuyết tăng cao ở thị trường châu Âu. Ngược lại thì “ling” - một loại được chấp nhận thay thế cho cá tuyết trong các sản phẩm chế biến, đang được bán với giá thấp hơn 0,5 EUR/kg.
Thị trường Pháp cũng báo cáo nhu cầu cá tuyết mạnh mẽ, trong khi lượng hàng đổ về rất chậm. Giá bán buôn ở Paris tăng 0,5 EUR/kg trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024. Nhu cầu tại các thị trường châu Âu và châu Á đối với các sản phẩm cá đáy của Yemen (như: cá hồng, cá mú) được cho là đang ở mức trung bình. Trong khi đó, tình hình thị trường tốt được báo cáo ở các thị trường châu Phi. Nguồn cung sản phẩm khá ổn định, giá cả nhìn chung duy trì ở mức cao. Căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đỏ đang gây ra sự chậm trễ trong các chuyến hàng vận chuyển thủy sản (trong đó có cá đáy).
Giá cá Hake tiếp tục giảm. Tại thị trường Ý, một số mức giảm giá 0,60 EUR/kg đã được báo cáo trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024. Nghĩa là vẫn tiếp tục theo xu hướng đã bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2023. Nguồn cung cá tuyết được dự đoán sẽ giảm đáng kể vào năm 2024, trong khi nguồn cung cá minh thái Alaska có thể sẽ tăng nhẹ. Điều này sẽ khiến giá cá tuyết tăng cao hơn nữa, trong khi giá cá minh thái Alaska dự kiến sẽ giảm. Sản lượng surimi được dự báo sẽ tăng và các nhà sản xuất ở châu Á lo ngại về diễn biến giá cả.
CÁ NGỪ
Hoạt động đánh bắt cá ngừ ở Tây và Trung Thái Bình Dương giảm xuống mức trung bình (do thời tiết xấu). Trong khi đó, Cảng Bangkok vẫn ùn tắc do các hãng tàu tồn đọng. Với nguồn cung nguyên liệu dồi dào chờ dỡ hàng, giá cá ngừ vằn tiếp tục giảm xuống khoảng 1.350 USD/tấn. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Hoạt động đánh bắt cá ở Ấn Độ Dương vẫn duy trì ở mức vừa phải. Giá cá ngừ vằn thấp nhưng cá ngừ vây vàng vẫn ổn định. Việc đóng cửa FAD trong 72 ngày ở Đại Tây Dương của Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (the International Commission for the Conservation of Atlantic Tunas - ICCAT) có hiệu lực cho đến ngày 13 tháng 3 năm 2024. Hoạt động đánh bắt cá được báo cáo là kém do việc đóng cửa này. Cá ngừ vây vàng đang chứng kiến giá tăng do nguồn cung thiếu hụt nhưng giá cá ngừ vằn vẫn ổn định mặc dù sản lượng đánh bắt thấp. Một số tàu thuyền đã nhân cơ hội này tiến hành sửa chữa và đưa tàu lên cạn.
“Veda” thứ hai được thực hiện bởi Ủy ban cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ (the InterAmerican Tropical Tuna Commission - IATTC) tại Đông Thái Bình Dương đã kết thúc vào ngày 19 tháng 1 năm 2024 và hoạt động đánh bắt được báo cáo là rất tốt (đặc biệt ở vùng biển Peru). Cường lực khai thác (fishing effort) tăng khoảng 65-70%, sản lượng đánh bắt chủ yếu là cá ngừ vằn. Tồn kho nguyên liệu thô tại các nhà máy đóng hộp địa phương đang ở mức tốt. Giá cá ngừ vằn giảm trong khi giá cá ngừ vây vàng vẫn ổn định.
Tháng 2/2024, giá thị trường ở châu Âu đối với cả cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng vẫn giữ nguyên như tháng 1 năm 2024. Giá thăn cá ngừ vằn hấp chín đã tăng trở lại ở Tây Ban Nha do nhu cầu tăng. Hoạt động đánh bắt cá ngừ ở Tây và Trung Thái Bình Dương diễn ra thuận lợi; trong khi Cảng Bangkok vẫn bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn này, cùng với thời gian dỡ hàng kéo dài, đang làm trì hoãn việc các hãng vận chuyển quay trở lại ngư trường, dẫn đến thiếu chỗ cho tàu vận chuyển. Do hoạt động đánh bắt tốt nên giá cá ngừ vằn giảm.
Ở Ấn Độ Dương, hoạt động đánh bắt cá đã được cải thiện ở mức độ vừa phải và phần lớn sản lượng đánh bắt bao gồm cá ngừ vằn được đánh bắt bằng thiết bị thu hút cá (Fish Aggregation Devices - FAD). Mặc dù sản lượng đánh bắt lớn hơn nhưng giá cá ngừ vằn vẫn tăng trở lại do nhu cầu tăng. Ngược lại, giá cá ngừ vây vàng vẫn ổn định.
Việc đóng cửa FAD của Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) thực hiện tại vùng biển Đại Tây Dương đã bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2024 và kéo dài trong 72 ngày (nghĩa là tới khoảng giữa tháng 3/2024 mới kết thúc). Mặc dù vậy, hoạt động đánh bắt cá đã được cải thiện từ mức trung bình đến tốt; do đó, giá cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng giảm.
Trong khi đó, 'veda' thứ hai của Ủy ban cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ (IATTC) trong 72 ngày có hiệu lực ở Đông Thái Bình Dương (the Eastern Pacific Ocean - EPO) đến ngày 19 tháng 1 năm 2024. Cường lực khai thác giảm xuống còn 20-25% nhưng đối với các tàu đánh bắt thì kết quả thu hoạch khá tốt. Giá cá ngừ vằn tiếp tục giảm mạnh do nguồn cung dồi dào từ Đông Thái Bình Dương và vùng biển Peru, cùng với việc giá cả thị trường giảm ở Thái Lan. Trong khi đó, giá cá ngừ vây vàng vẫn ổn định.
Giá cá ngừ vằn tại thị trường châu Âu giảm do nhu cầu giảm. Giá cá ngừ vây vàng vẫn ổn định. Đặc biệt, giá thăn cá ngừ vằn hấp chín giảm mạnh do làn sóng thăn cá ngừ phi thuế quan (the influx of duty-free quota loins) đã tràn vào thị trường châu Âu từ đầu năm.
NHUYỄN THỂ CHÂN ĐẦU
Nhu cầu đối với mực và bạch tuộc đều tăng ở châu Âu trong những tháng đầu năm, điều này khá bất ngờ vì thông thường trong giai đoạn này, nhu cầu khá chậm. Giá tất cả các sản phẩm nhuyễn thể chân đầu (mực ống, mực nang, bạch tuộc) đều khá cao. Sản lượng khai thác mực ở Nam Phi rất thấp, có thể do nhiệt độ nước tăng lên như hiện nay đã khiến mực không thể nổi lên mặt nước. Với sản lượng đánh bắt hạn chế, giá vẫn tiếp tục ở mức cao.
Nhu cầu tiêu thụ mực ống ở Tây Ban Nha ảm đạm đã tạo áp lực giảm giá mực ống. Nhìn chung, các mức giá này đã giảm 0,1 EUR/kg so với giá tháng 12 năm 2023. Giá bạch tuộc cũng đang giảm, tới 0,5 EUR/kg. Sản lượng khai thác mực ở Nam Phi kém, mặc dù hàng tồn kho cũng gần như cạn kiệt nhưng giá vẫn có xu hướng giảm. Mùa cao điểm bạch tuộc Indonesia tiếp tục diễn ra vào đầu năm 2024. Thật không may, sau khi nhu cầu tăng mạnh trong giai đoạn tháng 12 năm 2023, doanh số bán hàng hiện tại rất ảm đạm. Giá bạch tuộc ở châu Âu dự kiến sẽ giảm do nhu cầu có thể sẽ hạn chế cho đến cuối tháng 3 năm 2024.
Ngọc Thúy (theo FAO)